Mái vòm là biểu tượng kiến trúc vượt thời gian đã hiện diện từ hàng thiên niên kỷ trước. Một trong những kiến trúc mái vòm nổi tiếng nhất thế giới chính là phần mái của đền Pantheon ở Rome, được xây dựng cách đây gần 2.000 năm. Trong thập niên vừa qua, hình thức kiến trúc này dường như trầm lắng hơn, nhường chỗ cho các xu hướng hiện đại khác. Thế nhưng, cũng như thời trang và nghệ thuật, kiến trúc luôn vận hành theo chu kỳ, và mọi dấu hiệu hiện tại đều cho thấy mái vòm đang trên đà trở lại đầy ấn tượng.

Dưới đây là 10 ví dụ gần đây cho thấy các kiến trúc sư đang “yêu lại từ đầu” với mái vòm:

Play Pavilion, Vương quốc Anh – Peter Cook

Triển lãm mùa hè thường niên Serpentine Gallery ở Kensington Gardens là cơ hội để các kiến trúc sư tự do thử nghiệm, và năm nay, lần đầu tiên có thêm một gian triển lãm dành riêng cho trẻ em bên cạnh gian chính.

Kiến trúc sư người Anh Peter Cook – đồng sáng lập nhóm kiến trúc tiên phong Archigram vào những năm 1960 – đã đặt lên phần tường uốn lượn màu cam của công trình một mái vòm địa trắc.

Ground, Hàn Quốc – Tadao Ando

Khi gian triển lãm đầy màu sắc của Cook được khai trương ở London, thì cách đó hơn 9.000 km, tại thành phố Wonju (Hàn Quốc), một mái vòm mang tính biểu tượng hoàn toàn khác cũng đang được hoàn thiện.

Kiến trúc sư Nhật Bản Tadao Ando đã thiết kế một không gian trưng bày bằng bê tông giống như hang động, là nơi triển lãm thường trực các tác phẩm điêu khắc gang của nghệ sĩ người Anh Antony Gormley. Công trình do Bảo tàng SAN ủy nhiệm với mục tiêu thách thức “kiểu phòng trưng bày hộp trắng truyền thống”.

HATA, Hoa Kỳ – Anastasiya Dudik

Một mái vòm khác gần đây cũng gây chú ý trên Dezeen là HATA, một ngôi nhà nghỉ dưỡng trông như căn cứ trên mặt trăng giữa sa mạc California.

Nhà thiết kế Anastasiya Dudik cho biết ý tưởng của ngôi nhà là “nguyên sơ tương lai – trở về với những hình thức hữu cơ, nguyên thủy của tổ tiên qua lăng kính tương lai”.

Blue Ocean Dome, Nhật Bản – Shigeru Ban

Các triển lãm thế giới luôn giống như một sàn diễn thời trang cho kiến trúc, và tại Expo 2025 Osaka, một trong những kiến trúc sư danh tiếng nhất thế giới – Shigeru Ban – đã thiết kế gian hàng gồm ba mái vòm.

Ông sử dụng các ống làm từ bìa cứng, tre ép và nhựa gia cường sợi carbon để tạo khung cho các mái vòm. Mục tiêu là tạo ra các cấu trúc nhẹ, dễ tháo rời và ít gây lãng phí.

West Bund Dome Art Center, Trung Quốc – Schmidt Hammer Lassen

Studio kiến trúc Đan Mạch Schmidt Hammer Lassen đã tận dụng tối đa mái vòm sẵn có trong dự án tái thiết này: một nhà máy xi măng cũ ở Thượng Hải được chuyển đổi thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật và thể thao.

Studio đã dùng tài liệu lưu trữ để phục dựng lại khung thép màu cam bên trong mái vòm. Giám đốc thiết kế chính Chris Hardie chia sẻ với Dezeen: “Bảo tồn mái vòm như một di tích lịch sử – biểu tượng ký ức của địa điểm – giữa một khu đô thị mới là một cơ hội thiết kế vô cùng thú vị đối với chúng tôi.”

Wisdome Stockholm, Thụy Điển – Elding Oscarson

Gần 300 mảnh gỗ dán chéo hình tam giác đã được sử dụng để xây dựng mái vòm này tại Bảo tàng Công nghệ Quốc gia Thụy Điển, nơi chứa hệ thống ghế ngồi bậc thang bao quanh bởi các màn hình 3D.

Dù mái vòm nằm bên trong tòa nhà, studio kiến trúc Elding Oscarson vẫn muốn nó trở thành điểm nhấn chính, nên đã thiết kế một phần mái bằng gỗ uốn cong và phình lên bao phủ toàn bộ mái vòm bên dưới.

Apple The Exchange TRX, Malaysia – Foster + Partners

Studio Anh quốc Foster + Partners đã thách thức quan niệm rằng mái vòm phải gắn với bố cục tròn truyền thống thông qua thiết kế cửa hàng Apple Store tại Kuala Lumpur.

“Mái kính hình vòm, kích thước 26,5 x 26,5 mét, chuyển tiếp mượt mà giữa hình vuông ở đáy và hình tròn ở đỉnh,” theo lời của studio.

Công trình nằm trên một không gian bán lộ thiên có mặt bằng hình vuông, chìm xuống dưới mặt đất, và được bao phủ bởi các thanh chắn nắng (louver) giúp bảo vệ khách mua sắm khỏi ánh mặt trời nhiệt đới.

Thư viện Mái vòm Gạch Xoắn, Trung Quốc – HCCH Studio

Công trình Thư viện Mái vòm Gạch Xoắn, nằm trên một cánh đồng bên kia sông Quijiang so với thành phố Quzhou, là một dự án khác tiếp cận hình thức mái vòm theo cách đầy sáng tạo.

Thư viện được tạo thành từ hai mái vòm bán cầu nối với nhau bằng một bức tường uốn xoắn, được xây dựng bằng các tấm thép đục lỗ và bê tông đổ tại chỗ. Thiết kế tạo hiệu ứng thị giác giống như mạch vữa giữa những viên gạch.

Intuit Dome, Hoa Kỳ – AECOM

Hoa Kỳ vốn có truyền thống lâu đời trong việc xây dựng các sân vận động mái vòm, và ví dụ mới nhất chính là Intuit Dome – sân nhà của đội bóng rổ NBA LA Clippers, do công ty kiến trúc quốc tế AECOM thiết kế.

Khai trương vào tháng 8 năm 2024, công trình có mái vòm lưới bao phủ, được ốp các tấm kim loại hình kim cương. Các kiến trúc sư cho biết thiết kế này nhằm gợi hình ảnh quả bóng rổ đi qua lưới.

Cùng thời điểm, hãng Trahan Architects cũng hoàn tất quá trình cải tạo sân vận động Caesars Superdome ở New Orleans sau khi bị hư hại bởi bão Katrina.

MSG Sphere Las Vegas, Hoa Kỳ – Populous

Thật khó hiểu khi Millennium Dome ở London – công trình nổi tiếng của kiến trúc sư Richard Rogers – thực ra không phải là một mái vòm theo đúng nghĩa kỹ thuật. Và càng gây nhầm lẫn hơn khi công trình hình cầu nổi tiếng nhất thế giới – MSG Sphere Las Vegas – thực ra không phải là hình cầu, mà là một mái vòm khổng lồ.

Được thiết kế bởi studio kiến trúc Populous, địa điểm giải trí này đã gây tiếng vang lớn khi khai trương cách đây hai năm, nhờ lớp vỏ bọc bên ngoài là màn hình khổng lồ gồm hàng chục triệu đèn LED, tạo nên trải nghiệm thị giác chưa từng có.

Ibstac Architects & Planner

Biên dịch từ Dezeen.com

Tin tức liên quan