“Tôi không biết liệu chúng tôi trao tấm bằng tốt nghiệp cho một “kẻ điên” hay một thiên tài, chỉ có thời gian mới có câu trả lời sáng tỏ”, đó là lời phát biểu của hiệu trưởng trường The Escuela Tecnica Superior d’Arquitectura tại Barcelona khi nhìn đồ án và ký tên vào văn bằng kiến trúc cho chàng sinh viên trẻ tuổi chỉ mới 18 Antoni Gaudi. Và thời gian đã trả lời cho câu hỏi đó.
Từ những công trình kiến trúc tân gothic cấp tiến cho đến những tòa nhà theo trường phái tân nghệ thuật, kiến trúc có thể là bất cứ điều gì nhưng không hề tầm thường. Có thể những công việc mà Antoni Gaudi đã làm được coi là điên rồ nhưng từ những gì đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử cho thấy, Gaudi chính là một thiên tài trong kiến trúc.
Công trình La Sagrada Familia
Gã điên hay thiên tài?
Dựa trên óc thẩm mỹ lập dị của Gaudi, người ta có thể cho rằng ông có bản ngã giống với một KTS bậc thầy. Tuy nhiên, ông không coi mình là người tiên phong của bất kỳ phong cách kiến trúc nào mà đơn thuần chỉ tuân theo quy tắc thiết kế đơn giản.
KTS Antoni Gaudi
Là một người tôn thờ Công giáo mãnh liệt, Gaudi tin rằng tất cả KTS nên thiết kế theo ý Chúa muốn, nên trở thành “những người đi tìm quy luật tự nhiên như một sự hỗ trợ cho các tác phẩm mới của họ”.
Gaudi đã để lại dấu ấn cho Tây Ban Nha và thế giới theo nhiều cách khác nhau. Nhiều người gọi ông là “thiên tài” với sự tôn trọng, có người cho ông là một “kẻ điên”, nhưng có lẽ, cái tên mà ông yêu thích nhất là được “phụng sự” Chúa – “KTS của Chúa”.
Cha đẻ của chủ nghĩa hiện đại Catalan (Catalan Modernism)
Nhắc đến kiến trúc của Barcelona, không thể không nhắc đến chủ nghĩa hiện đại Catalan hay Modernisme, thường gọi là Tân nghệ thuật Tây Ban Nha. Phong cách này điển hình với nền văn hóa độc lập của Catalonia và càng thích hợp hơn khi người Catalonia biến Modernisme vốn là trào lưu của châu Âu thành phong cách riêng của họ.
Công trình La Sagrada Familia
Khi công nghiệp hóa bắt đầu đi vào đời sống, người Catalonia sử dụng nghệ thuật và kiến trúc để hình thành một cảm giác mới, bản sắc mới.
Giống như nhiều phong trào kiến trúc, chủ nghĩa hiện đại Catalan không chỉ có trong kiến trúc mà còn thể hiện trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc, chế tác thủy tinh, đồ mộc, đồ kim loại và cả văn học thời điểm đó. Điểm đặc trưng của chủ nghĩa hiện đại Catalan lúc bấy giờ bao gồm một loạt những hình dạng không đối xứng, trang trí ấn tượng, họa tiết liên quan đến thiên nhiên và các đường cong được sử dụng chủ yếu.
Công trình Casa Batlló
Tất cả những đặc điểm này đều được phơi bày thông qua những thiết kế của Gaudi, người đã từng tuyên bố: “Đường thẳng thuộc về con người, đường cong thuộc về Chúa”. Gaudi đã có công lớn trong việc xây dựng phong cách kiến trúc này, không chỉ dừng lại ở mức tô điểm cho Barcelona mà còn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Một số công trình nổi tiếng theo phong cách Modernism của Gaudi bao gồm Casa Vicens, Park Güell và Casa Batlló.
Công trình Park Güell
Kiến trúc sư của Chúa
La Sagrada Familia có lẽ là công trình kiến trúc nổi tiếng và gây tranh cãi nhất của Gaudí. Công trình là khởi nguồn cho danh xưng “KTS của Chúa”. Những giai thoại vùng Tây Ban Nha lưu truyền câu chuyện về Josep Boccabella, một nhà từ thiện Công giáo đã mơ thấy một hiệp sĩ tóc đỏ, mắt xanh sẽ dang tay cứu lấy dự án Sagrada Familia mà ông mới bắt đầu. Boccabella sau đó đã tới gặp Gaudi và tin rằng ông chính là vị “hiệp sĩ” trong giấc mơ của mình. Sau đó, Boccabella đã thuyết phục Gaudi thiết kế tiếp Nhà thờ Thánh gia, hay còn gọi là La Sagrada Familia.
Nhà thờ được thiết kế theo phong cách tân gothic nhưng Gaudi đã khéo léo kết hợp cùng Modernisme. Ông cho rằng mình đang thiết kế theo các quy luật của tạo hóa và làm hài lòng Đức Chúa Trời: “Trong tự nhiên không có đường thẳng hay góc nhọn nào, do đó các tòa nhà cũng không được có đường thẳng hay góc nhọn”.
Dù Gaudi đã cho ra đời nhiều tác phẩm kiến trúc nhưng kể từ khi nhận nhiệm vụ xây dựng La Sagrada Familia vào đầu những năm 30 cho đến khi ông qua đời ở tuổi 73, dự án này được xem là sứ mệnh chính trong cuộc đời ông và đưa tên tuổi của Gaudi trở nên nổi tiếng.
Sau khi hoàn thành phần hầm mộ, nối tiếp dang dở mà KTS trước đó để lại, Gaudi quả quyết phải xây dựng mặt tiền Chúa Giáng thế trước tiên, như một bức tường dày truyền tải câu chuyện dạy phúc âm cho những người không biết đọc. Gaudi đã thiết kế và xây dựng bức tường tỉ mỉ, chi tiết, kể câu chuyện về sự tích Chúa Giáng sinh một cách chân thực nhất dưới sự hỗ trợ của các học viên. Thậm chí, ông còn sử dụng nhiều động vật sống để làm khuôn đúc, sau này được đúc bằng thạch cao. Ông đã phải bỏ kỹ thuật này đi sau khi suýt giết chết một trong những người làm mẫu đúc.
Do khó khăn về tài chính cũng như việc bị ngưng trệ hơn 30 năm do chiến tranh thế giới và cuộc nội chiến Tây Ban Nha, công trình vẫn chưa được hoàn thành. Gaudi mặc dù miệt mài làm việc với dự án đầy tham vọng của mình cũng không may gặp tai nạn xe điện và qua đời. Điều này khiến dự án chưa hoàn thành chỉ còn lại hầm mộ nơi thi thể của ông sau này được chôn cất, một tòa tháp, một mặt tiền khổng lồ kể câu chuyện Chúa Giáng sinh và vô số những bản vẽ, mô hình của ông.
Tuy nhiên chúng đã bị phá hủy nặng nề trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936 – 1939), những KTS thân cận của Gaudi hiểu và vẫn giữ những bản thiết kế còn sót lại để tiếp nối việc xây dựng La Sagrada Familia.
Một Thánh Gia hoàn chỉnh sẽ bao gồm 18 ngọn tháp xung quanh nhà thờ. 12 ngọn tháp tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Bốn ngọn tháp tượng trưng cho bốn vị thánh đã truyền bá phúc âm St. Luke, St. Mark, St. John, và St. Matthew, một ngọn tháp biểu tượng cho Đức Mẹ Maria và ngọn tháp cao nhất (170m) sẽ tượng trưng cho Chúa Jesu. Ngọn tháp này dự kiến trở thành ngọn tháp cao nhất ở Barcelona. Tuy nhiên, cho đến nay, công trình mới chỉ hoàn thành được 10 ngọn tháp, bốn tháp đang được xây cất và bốn tháp còn lại vẫn chưa được bắt đầu.
Mặc dù vẫn tiếp tục kéo dài và trở thành nhà thờ có thời gian xây dựng lâu nhất (từ năm 1883 cho đến nay) nhưng La Sagrada Familia cũng minh chứng cho ý tưởng, tầm nhìn mà Gaudi muốn dựng lên cho hậu thế hiểu được tường tận cuộc đời của Chúa.
Câu chuyện của Gaudi có thể sẽ “kết thúc có hậu” khi La Sagrada Familia dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2026 dưới sự chỉ đạo của KTS Jordi Fauli. Khách thập phương vẫn có thể ghé thăm công trình kinh điển này.
Ibstac Architects & Planners