Chiều 15/12 vừa qua, UBND huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã tổ chức Hội nghị công bố Đồ án chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Mù Cang Chải. Tại hội nghị, Phòng Kinh tế Hạ tầng đã công bố Quyết định của UBND huyện về việc phê duyệt Đồ án chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Mù Cang Chải.
Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Mù Cang Chải: Kết nối không gian văn hóa H’mong
Phân tích vị trí và đánh giá hiện trạng
Mù Cang Chải không chỉ được biết đến với Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang, mà với 99% dân số là dân tộc thiểu số (Hầu hết là người H’ Mong), Mù Cang Chải lưu giữ rất nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc vùng cao Tây Bắc như: Các làn điệu dân ca và múa khèn trong lễ hội Gầu Tào của người Mông, điệu múa xòe của bà con dân tộc Thái, lễ hội Ruộng bậc thang Mù Cang Chải…
Đặc biệt, ruộng bậc thang Mù Cang Chải là biểu tượng của nét văn hóa nơi đây với vẻ đẹp kì vĩ do chính con người bản địa tạo nên, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Những truyền thống văn hóa đặc sắc đã mang đến cho Mù Cang Chải tiềm năng lớn về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa. Nhiều nét văn hóa dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mông trở thành nét văn hóa đặc trưng, mang đậm giá trị truyền thống vùng miền và trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo.
Thiết kế quy hoạch thị trấn Mù Cang Chải: Tiêu chí và ý tưởng
Tiêu chí
- Bản sắc: Đô thị đậm đà bản sắc văn hóa người H’mong, người Thái
- Tương lai: Là khu đô thị của tương lai, hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của thế hệ mới
- Hài hòa thân thiện: Đô thị thân thiện và hài hòa giữa con người với thiên nhiên
- Di sản: Đô thị trong tương lai sẽ trở thành di sản của người Yên Bái với thế giới
Ý tưởng
Toàn bộ khu đất quy hoạch được xác định trở thành như một trung tâm du lịch của thị trấn Mù Cang Chải, một nơi mang bản sắc dân tộc H’Mong và trong tương lai sẽ trở thành một Di sản của người dân Yên Bái.
Khu phía Bắc là dòng suối Nậm Kim, nơi gần khu trung tâm hiện có sẽ mang chức năng thương mại dịch vụ.
Khu phía Nam dòng suối là không gian văn hóa dân tộc Mông. Dòng suối chính là trục kết nối:
- Về thời gian: Kết nối giữa hiện tại (là những khu đã có trong thị trấn) với tương lai (là khu đất quy hoạch và những khu dự kiến phát triển mới sau này).
- Về không gian:
+ Kết nối 2 bên bờ suối bởi cầu đi bộ và lối đi nổi trên suối
+ Kết nối trung tâm mỗi nội khu ra suối. Hình ảnh đô thị trong tương lai sẽ đậm đà bản sắc dân tộc H’Mong và khơi gợi hình ảnh ruộng bậc thang qua việc khai thác chi tiết kiến trúc dân tộc H’Mong, Thái, không gian sinh hoạt cộng đồng của dân tộc, các nếp nhà và sự giật cấp của ruộng bậc thang.
Với đồ án quy hoạch được phê duyệt, đơn vị tư vấn Ibstac Architects & Planners hy vọng đây sẽ là tiền đề thu hút đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, đô thị và du lịch trên địa bàn, góp phần xây dựng Mù Cang Chải phát triển du lịch bền vững theo hướng “xanh – an toàn – bản sắc – thân thiện”.
Ibstac Architects & Planners