Các thành phố sẽ thay đổi như thế nào nếu chúng ta tiếp tục sống và làm việc trong kỉ nguyên kĩ thuật số ngày càng phát triển do tác động của đại dịch?
Đại dịch Covid đã khiến cuộc sống ở các trung tâm đô thị bị xáo trộn hoàn toàn trong những tháng qua. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ quay trở lại nơi làm việc của mình, trải nghiệm sự thức tỉnh của thành phố sau một giấc ngủ dài và chắc chắn cuộc sống chúng ta đã biết sẽ không bao giờ giống như trước đây nữa.
Một số người cực đoan đã bắt đầu đặt câu hỏi “Liệu chúng ta có cần đến thành phố không (Mà câu trả lời chắc chắn là có). Các thành phố sẽ thay đổi như thế nào nếu chúng ta tiếp tục sống và làm việc trong kỉ nguyên kĩ thuật số và cuộc sống được đẩy nhanh bởi đại dịch?
Sự khởi đầu của đại dịch đã chứng kiến nhiều người rời khỏi những căn hộ nhỏ để quay về vùng ngoại ô và nông thôn, nơi có nhiều không gian và khoảng cách với những người lạ hơn. Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử các thành phố của Mỹ chứng kiến một cuộc di cư ồ ạt để tránh xa lối sống có mật độ dân số cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là không hợp lý khi tự hỏi liệu lần này, mọi người có muốn quay trở lại thành phố không, và làm thế nào để các khu vực trung tâm thương mại quay lại đà phát triển để thu hút doanh nghiệp ở lại? Tất cả những điều này sẽ có ý nghĩa lớn đối với các kiến trúc sư trong việc xây dựng các tòa nhà thương mại, dự án dân cư và thậm chí cả các giải pháp vận tải hành khách công cộng trong những thập kỷ tới.
Các khu vực trung tâm thương mại lần đầu tiên chứng kiến sự suy giảm vào đầu những năm 1960, khi quá trình công nghiệp hóa hàng loạt sau Thế chiến thứ II cho phép các công việc từng được coi là cố định ở một địa điểm nhất định được chuyển tới các bang mới để có cơ hội tốt hơn. Điều này cũng tạo ra các “thành phố biên”, hoặc mở ra các khu kinh doanh và giải trí mới trong các khu vực trước đây được quy hoạch là khu dân cư.
Một khi các công ty chuyển đi, mọi người theo sau nhưng lại định cư ở nơi mới làm tăng thêm sự lan rộng của đô thị, dẫn tới nhu cầu đi lại bằng ô tô – điều mà rất ít người thích làm. Theo thống kê cho thấy, tới hơn 90% người Mỹ lái xe đi làm với thời gian trung bình khoảng 27 phút. Đây là lý do tại sao chúng ta luôn cảm thấy cuộc sống bị bó buộc bởi công việc: số giờ lái xe ngày càng tăng, khoảng cách giữa cơ quan và nhà ngày càng xa. Nhưng xu hướng này đã bị đảo lộn gần như chỉ sau một đêm, khi đại dịch Covid ập tới, hầu hết các công ty phải chuyển đổi sang các hình thức làm việc từ xa, có thể mọi người sẽ phải xem xét lại cách thức và địa điểm nơi họ sinh sống lâu dài.
Một số người tin rằng điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các thành phố, khiến chúng trở thành các “Urban Hotels”, nơi mọi người sẽ đến và đi thường xuyên hơn, buộc các doanh nghiệp phải có những thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Nó sẽ làm các khu phố trở thành điểm đến được xác định rõ ràng với dịch vụ rất cụ thể. Đổi lại, các vùng ngoại ô cũng sẽ phải phát triển với việc xây dựng nhà ở với mật độ dày hơn, đồng thời phát triển các tiện nghi như ở trong các khu trung tâm. Các vùng ngoại ô trong tương lai sẽ ít nhàm chán hơn, trở nên đáng mơ ước hơn, đặc biệt đối với các thế hệ trẻ.
Điều đang xảy ra ở các thành phố hiện nay là các tòa nhà được thiết kế trước đại dịch vẫn đang được xây dựng và các khu trung tâm cảm thấy sống động hơn bao giờ hết. Hệ thống giao thông và vận tải đang dần hoạt động trở lại theo lịch trình đầy đủ như thời trước đại dịch. Giá thuê nhà thấp kỷ lục hiện đang có xu hướng tăng trở lại, thị trường việc làm có tính cạnh tranh cao ở các đô thị ven biển đang có những đợt tuyển dụng lớn để thu hút mọi người quay trở lại thành phố. Cơ hội để vùng ngoại ô phát triển đang dần bị thu hẹp, và dự đoán phần lớn thế giới sẽ sống tại các thành phố vào năm 2050 dường như đúng hơn bao giờ hết. Nhưng vẫn còn một câu hỏi: Có bao nhiêu thói quen chúng ta hình thành trong một năm rưỡi qua sẽ gắn bó với chúng ta trong tương lai? Hay chúng ta sẽ sớm quay trở lại cuộc sống đã từng, như năm 2019?
Ibstac Architects & Planners
Biên dịch từ Archdaily.com