Thật khó để sắp xếp một buổi trò chuyện với Kiến trúc sư Trịnh Anh Tuấn trong những ngày cuối cùng của năm 2022. Giữa những bộn bề đồ án đang dang dở, Kiến trúc sư Trịnh Anh Tuấn đã có những chia sẻ rất nghề, rất đời về một chặng đường vừa qua.
1. Xin chào Kiến trúc sư Trịnh Anh Tuấn. Được biết ông đến với kiến trúc với một chữ “duyên”, bởi lúc đầu ông muốn thi Đại học Hàng Hải để nối nghiệp cha mình, sau đó lại rẽ ngang sang con đường kiến trúc. Và sau đó, ngay sau đồ án đầu tiên, ông đã nhanh chóng nhận ra rằng mình sinh ra để làm nghề này.
Ông có thể chia sẻ thêm về đồ án đã khiến thay đổi cuộc đời mình?
Đồ án đầu tiên tôi thực hiện khi còn là sinh viên năm 2 trường Đại học Kiến trúc. Tôi nhớ đó là đồ án chòi nghỉ chân trong công viên. Chính đồ án này đã mang lại cho tôi sự hứng khởi, những cảm nhận sâu sắc, thú vị về quá trình nghiên cứu sáng tác để tạo nên được một công trình.
Khi bắt tay vào thực hiện đồ án đầu tiên thì vẫn còn hoang sơ lắm. Bỡ ngỡ đủ cả. Tôi bắt đầu đi xem khắp nơi, lên thư viện, vào công viên… mày mò, nghiên cứu ngày đêm sáng tối, tưởng tượng để vẽ ra. Nó là một đồ án không đẹp, nhưng lại giúp tôi nhận ra mình thực sự hứng thú và yêu thích công việc này.
2. Ngay từ thời còn trên ghế nhà trường, ông đã bày tỏ mong muốn và hứng thú lớn nhất là được thiết kế các công trình “to và khó”, các công trình quy mô lớn, có tính chất phức hợp và phục vụ số đông con người.
Đến hiện tại, sau hơn 20 năm làm nghề, công trình nào đã để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất?
Công trình để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là tòa nhà Gamuda HH2 Central Residence… tòa nhà nằm trên lô đất khoảng 3,64 ha với vị trí lõi của công viên có tầm nhìn 360 độ ra không gian xanh vô tận, với 3 tháp hình cánh hoa cao 40 tầng, hơn 400.000 m2 sàn và 8000 dân sinh sống ở nơi đây.
Giữa khoảng không gian xanh bao la là 3 tòa tháp như những đóa hoa bồ công anh lấp ló, mặt đứng được sử dụng các nét chuyển động như những dòng chảy của nước chuyển động len lỏi giữa các khoảng xanh của cá khu vờn đa tầng trên cao tạo nên một không gian sống như trên thiên đường.
Toàn bộ công trình được nghiên cứu toàn diện đảm bảo hài hòa về công năng sử dụng,tiện ích, tư duy thẩm mỹ, đầu tư hiệu quả, công nghệ đổi mới, hướng tới phát triển bền vững.
3. Ông có kỉ niệm nào đáng nhớ khi thực hiện đồ án đặc biệt này không?
Đây là một siêu dự án với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD và 8000 dân (Bằng một phường nhỏ ở Hà Nội). Thời điểm đó, chủ đầu tư đã thuê tư vấn nước ngoài thiết kế khu HH2, mình bắt đầu vào từ khâu đấu thầu Design Build. Đề bài hiệu quả hóa chủ đầu tư đưa ra khi đó tạo ra nhiều thách thức cho đội ngũ IB, bởi lẽ toàn bộ giải pháp thiết kế đều đến từ các đơn vị tư vấn hàng đầu nước ngoài như High End (Archiecture), Tham & Wong (C&S – M&E).
Với quyết tâm cao độ, chúng tôi đã tập trung đưa ra 2 phương án trong 1 bài dự thầu: 1. Hiệu quả và cải tiến trên nền tảng phương án của tư vấn quốc tế. 2. Đưa ra thiết kế mới hoàn toàn dựa trên các tiêu chí đã được phê duyệt.
Đây là một quyết định rất táo bạo vì thời gian đấu thầu có hạn, các đội tham gia thầu thực lực rất mạnh, chủ đầu tư lại đặc biệt, giải pháp thiết kế hồ sơ thầu đã thiết kế hoàn thiện và liên tục cải tiến trong một thời gian dài. Trên thực tế, dự án này được chủ đầu tư và đơn vị tư vấn nghiên cứu, đưa ra phương án chặt chẽ, thậm chí triển khai nhà mẫu. Vì vậy, việc chấp nhận một phương án mới là không đơn giản với chủ đầu tư khi đó.
Đồ án của IB đã đánh giá lại toàn bộ các tiêu chí so với giải pháp cũ: từ quy hoạch, kiến trúc, sử dụng vật liệu, chiếu sáng che nắng… cho đến cơ cấu căn hộ, số lượng tòa nhà view hồ, view công viên, giảm thiểu năng lượng. Đặc biệt là tối ưu cho chủ đâù tư gần 4000m2 sàn thương phẩm và một thiết kế căn hộ được đánh giá cao.
Nhìn lại đó là một khoảng thời gian rất áp lực nhưng cũng rất tự hào.
4. Theo ông, xu hướng lựa chọn nhà ở thay đổi như thế nào trong thời gian gần đây?
Xã hội càng phát triển lên người ta càng quan tâm nhiều hơn yếu tố bên cạnh nơi ở: Cảnh quan, nơi ở… Xu hướng lựa chọn nhà ở tại Việt Nam (chung cư cao tầng nói riêng) sẽ hướng đến những tòa nhà hiện đại, tiện nghi, hòa nhập với thiên nhiên và mang đặm nét văn hóa bản địa.
5. Triết lý thiết kế của ông là “Design for better life” – Ông có thể giải thích rõ ràng hơn về điều này.
Với mong muốn gia tăng giá trị của công trình kiến trúc cũng như xây dựng đô thị bền vững trong đời sống hiện đại. chúng tôi luôn hướng tới các thiết kế hòa hợp giữa thiên nhiên, con người, công trình kiến trúc, trong đó thiết kế đảm bảo tính đương đại, hài hòa với tự nhiên, mang đậm nét văn hóa bản địa.
Xin chân thành cảm ơn ông về buổi trò chuyện!