Ngày 15 tháng 3 vừa qua, Francis Kéré đã trở thành kiến trúc sư người Phi đầu tiên giành được giải thưởng Pritzker, giải thưởng danh giá nhất trong ngành kiến trúc.
Từ cậu bé thổ dân nghèo đến kiến trúc sư vĩ đại
Francis Kéré là một thổ dân sinh ra và lớn lên tại ngôi làng Gando, Burkina Faso – một quốc gia nghèo ở vùng Tây Phi. Ngôi làng ông sinh ra không có điện, không có nước sạch và cũng chẳng có trường học. Kéré là con trai cả của trưởng làng và là người đầu tiên trong làng được đi học. Năm 7 tuổi, ông bắt đầu rời xa gia đình, lên thành phố cùng với chú để bắt đầu việc học tập của mình.
Sau khi nhận được 2 học bổng của Đức, ông bắt đầu theo học nghề mộc vào năm 1985. 10 năm sau đó, ông bắt đầu theo học ngành kiến trúc tại Technische Universität Berlin, một trong những trung tâm giáo dục uy tín nhất châu Âu. Năm 2004 ông nhận bằng tốt nghiệp về cơ khí và kiến trúc.
Con đường này đã mở ra cho ông cơ hội lớn để cống hiến và giúp đỡ những người dân quê nhà. Công trình đầu tiên, ông muốn xây dựng một ngôi trường tại chính quê hương Gando. Nhưng làm thế nào khi ông chỉ là một sinh viên nghèo? Kéré đã vừa thiết kế vừa gây quỹ, ông đã kêu gọi các bạn sinh viên học cùng tiết kiệm tiền café, thuốc lá để ủng hộ. Sau hơn 2 năm, ông đã quyên góp được số tiền 50.000 đô la đầu tiên để hiện thực hóa ước mơ của mình – theo ông mô tả “Đây thật sự là một điều kỳ diệu”.
Công trình đầu tiên
Khi ông về Gando báo tin, dân làng đã hết sức vui mừng. Tuy nhiên, khi thông báo sẽ dùng đất sét để xây dựng, họ lại có phần do dự và nghi ngờ, bởi “ngôi nhà bằng đất sét thậm chí còn không thể trụ vững qua nổi một mùa mưa, vậy mà Francis lại muốn chúng ta dùng đất sét để xây trường học. Cậu ấy đã tốn rất nhiều thời gian để du học ở châu Âu thay vì làm việc với chúng ta ngoài đồng ruộng, vậy mà lại làm những thứ này sao?”
Khi ấy, người dân làng Gando sử dụng đất sét để xây dựng tất cả công trình, nhưng họ lại không tìm thấy bất kỳ sự cải tiến nào với bùn. Francis đã thuyết phục tất cả người dân trong làng tham gia vào quá trình làm việc để chứng kiến phương pháp cải tiến của ông. Những người phụ nữ, đàn ông, thanh niên trai tráng đều bắt tay vào xây dựng.
Vẫn sử dụng các kỹ thuật truyền thống làm nền tảng, ông đã có những cải tiến vô cùng hiệu quả. Tường của trường học dựng lên bằng đất sét ép ở Gando, kết cấu mái được làm từ bê tông, có kèo bên trong là các thanh thép giá rẻ. Bài toán khó ở đây là tạo ra sự thông gió cho lớp học, tránh cái nóng thiêu đốt 45 độ ở châu Phi. Kéré đã tạo ra những lỗ thông khí trên tường, kết hợp cùng cửa sổ lá sách để tạo ra luồng thông khí hiệu quả.
Tinh thần bản địa mạnh mẽ
Điểm đặc trưng trong thiết kế của Kéré, đó là sự thiết thực và gần gũi, ông lựa chọn các loại vật liệu gắn liền với lịch sử sinh sống của bộ lạc, kết hợp cùng những cải tiến kỹ thuật được lãnh hội từ trường đại học. Từ đó giải quyết trọn vẹn các nhu cầu cơ bản trong một mức ngân sách hạn chế, định nghĩa lại tính bền vững, điều chỉnh các kỹ thuật xây dựng địa phương. Tất nhiên, vẫn bảo toàn được vẻ đẹp của kiến trúc.
Tinh thần bản địa được thể hiện rõ ràng và xuyên suốt trong các công trình của Kéré, đặc biệt, chúng thể hiện mục đích nhân văn và sự khiêm nhường trong cách xây dựng: hòa hợp cùng thiên nhiên và tận dụng những yếu tố sẵn có.
Tiêu chí sáng tạo trong kiến trúc của ông hướng đến sự bền vững mang tính cộng đồng, lấy con người là trung tâm của kiến trúc nhưng vẫn phát triển hài hòa dưới cùng một mái nhà của mẹ thiên nhiên. Diébedo Francis Kéré quan niệm rằng mình cần tạo ra cầu nối, liên kết giữa kỹ thuật xây dựng truyền thống (vốn rất hiệu quả trong điều kiện khí hậu bản xứ) và công nghệ hiện đại (giúp gia tăng hiệu quả sử dụng công trình). Ông tin vào sự hiện hữu và giá trị của kinh nghiệm truyền thống, rằng mỗi người trong bộ lạc đều đóng góp để triển khai các dự án cộng đồng mà ông vận động. Kéré khiêm tốn chỉ nhận về mình mỗi phần công lao về công nghệ.
Kiến trúc của Diébedo Francis Kéré không chỉ là sự hòa quyện tri thức khoa học, công nghệ với truyền thống địa phương, chúng còn là những hình hài đặc sắc của nền văn hóa bản địa, là tâm huyết và ước mơ cống hiện cho nguồn cội của người kiến trúc sư. Ông hy vọng rằng mình có thể khiến cho cộng đồng cảm thấy tự hào khi thực hiện tốt công việc của mình bởi thành công của Kéré ngày hôm nay có được chính nhờ sức mạnh nâng đỡ của họ.
Việc của ông bây giờ là khiến cho mọi người nhận ra kiến trúc có thể giúp cho các cộng đồng kiến tạo nên tương lai của chính họ, rằng tri thức sẽ đem lại sự đổi mới. Và dù có bao nhiêu công nghệ, kỹ thuật hiện đại đi chăng nữa thì nguồn gốc sẽ mãi là cái linh hồn trong những sáng tạo của người kiến trúc sư tài năng này, kiến trúc ông dựng xây sẽ luôn là một phần hòa hợp của thiên nhiên như cách người dân ông sinh sống cả hàng ngàn năm nay.
Ibstac Architects & Planners
Ảnh: Archdaily