“Với cam kết thực hiện công bằng xã hội cũng như sử dụng một cách thông minh các vật liệu địa phương để ứng phó với khí hậu, Francis Kéré đã giúp đỡ rất nhiều cho các quốc gia bị thiệt thòi, khó khăn, nơi không có kiến trúc và cơ sở hạ tầng chất lượng” – đó là những lời nhận xét trong thông báo người chiến thắng giải thưởng Pritzker 2022 dành cho KTS người Tây Phi – Francis Kéré.

KTS Diébédo Francis Kéré

“Từ sâu bên trong, Francis Kéré hiểu được kiến trúc không đơn thuần là vật thể mà là mục tiêu, không đơn thuần là sản phẩm mà là quá trình. Toàn bộ tác phẩm của Francis cho chúng ta thấy sức mạnh vật chất bắt nguồn từ chính nơi ấy. Các dự án ông đã làm cho cộng đồng đều là những thứ trực tiếp của cộng đồng, từ cách chế tạo, vật liệu cho đến tư tưởng độc đáo đều là của họ” – Ban Giám khảo Giải thưởng nhận xét về những dự án Francis Kéré thực hiện trong suốt sự nghiệp của mình.

Trung tâm Y tế tại thị trấn Léo, Burkina Faso

Trong một thế giới đang gặp khủng hoảng, giữa các giá trị và hệ tư tưởng thay đổi, ông ấy nhắc nhở chúng ta về những gì đã và chắc chắn sẽ tiếp tục là nền tảng của hoạt động kiến trúc: ý thức cộng đồng và câu chuyện ẩn chứa đằng sau. Francis đã kể một câu chuyện đánh thức lòng cảm thương và đầy tự hào, trong đó kiến trúc có thể trở thành niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Hãy cùng tìm hiểu 15 điều thú vị về KTS 57 tuổi này.

1. Sinh ra tại làng Gando, Burkina Faso, Diébédo Francis Kéré là con trai cả của trưởng làng. Ngôi làng nơi ông sinh ra không có điện, nước và tỷ lệ người biết chữ chỉ 25%, dưới mức trung bình so với cả nước.

2. Diébédo Francis Kéré là người đầu tiên trong làng được đi học. Vì không có cơ sở giáo dục nào, năm 7 tuổi ông chuyển đến sống cùng người chú ở thị trấn gần đó để tiện việc học hành. Năm 1985, ông chuyển đến Berlin theo học bổng nghề mộc. Tại thủ đô của Đức, ông học làm mái nhà và đồ nội thất và tham gia các lớp học buổi tối.

3. Mười năm sau, năm 1995, ông được nhận một học bổng khác, theo học ngành kiến trúc tại Technische Universität Berlin, một trong những trung tâm giáo dục uy tín nhất châu Âu. Năm 2004 ông nhận bằng tốt nghiệp.

4. Năm 1998, với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp từ thời đại học, ông thành lập Hiệp hội Schulbausteine ​​für Gando eV (nay là Kéré Foundation eV), tổ chức phi lợi nhuận chuyên xây dựng các dự án ở làng Gando. Năm 2005, ông thành lập công ty kiến trúc Kéré Architecture, có trụ sở tại Đức và chi nhánh tại Burkina Faso.

5. Trường tiểu học Gando là công trình đầu tiên ông xây dựng khi còn đang học đại học, hoàn thành năm 2001. Dự án đã giành được giải thưởng Aga Khan danh giá năm 2004 ở hạng mục công trình được xây dựng ở quốc gia theo Hồi giáo.

Trường tiểu học Gando

 

6. Vật liệu xây dựng đầu tiên mà ông nhắm đến là đất sét. Để thuyết phục người dân trong làng tin vào vật liệu địa phương, ông đã thử nghiệm ở quy mô nhỏ: làm một viên gạch đất sét và ngâm trong nước 5 ngày. Sau khi lấy ra viên gạch vẫn còn rắn. Điều đó đã thuyết phục được người dân rằng đây là vật liệu bền bỉ và chắc chắn.

7. Ngôi trường đơn sơ ở Gando ban đầu được thiết kế phục vụ khoảng 150 học sinh nhưng sau đó đã được mở rộng với sức chứa lên tới 700 học sinh. Dự án sau này bao gồm một dãy nhà mở rộng, nhà ở cho giáo viên và thư viện.

8. Với cách tiếp cận thực tế, và ý thức trước thách thức khó khăn về cả kinh tế và môi trường phải vượt qua, Francis vẫn luôn lạc quan về hành trình của mình: “Chỉ cần một đôi giày đủ chắc chắn, một chiếc ô đủ lớn, bạn có thể bảo vệ những bức tường đất sét mỏng manh trước tác động của thời gian”. Điều đó luôn đúng, trong những dự án của ông luôn xuất hiện những khía cạnh vui tươi vì “con người luôn thu hút bởi cái đẹp và được truyền cảm hứng bởi cái đẹp”.

9. Những nỗ lực vì cộng đồng của ông đã tạo việc làm cho hàng trăm người dân vốn có cuộc sống nghèo khó. “Hiện nay đã có hơn 200 thanh niên có việc làm và họ không cần phải đi xa làm thuê rồi gửi tiền về nữa. […] Tôi không lên phương án trước, những gì tôi làm là cố gắng tận dụng thứ sẵn có và tất cả những gì tôi làm gần đây ở Châu Phi đều được thực hiện bởi các công nhân – những người tôi đã từng đào tạo. Điều đó thật tuyệt vời”.

Diébédo Francis Kér đã giúp tạo việc làm cho nhiều người dân nghèo khó

10. Bên cạnh công việc thiết kế, Francis còn trau dồi vốn kiến thức học thuật. Ông là Giáo sư tại Technische Universität München từ năm 2017, trước đó theo học tại Trường Thiết kế sau Đại học của Đại học Harvard (Massachusetts, Hoa Kỳ) và Trường Kiến trúc Yale (Connecticut, Hoa Kỳ).

11. Với việc phát triển cộng đồng tại Gando và sử dụng sáng tạo các vật liệu và kỹ thuật địa phương, tập trung vào sự thoải mái về môi trường, chất lượng không gian, Francis đã được nhận Giải thưởng toàn cầu về Kiến trúc bền vững từ Cité de l’Architecture et du Patrimoine năm 2009. “Trông tòa nhà thì hiện đại nhưng đó lại là loại đất sét mà người dân của tôi biết và sử dụng theo một cách rất khác”.

12. Francis là kiến trúc sư người Phi đầu tiên thiết kế gian hàng tại Serpentine Pavilion 2017. Ông đã lên ý tưởng cho pavilion có cấu trúc hình cây với mái tách rời và những bức tường cong được tạo thành từ những mô-đun màu chàm hình tam giác, thể hiện sức mạnh của nền văn hóa Burkina Faso.

Gian hàng của Kéré tại Serpentine Pavilion 2017

13. Ngoài dự án ở Châu Phi, Kéré còn có nhiều dấu ấn ở Đan Mạch, Mỹ, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Anh và Hoa Kỳ. Một số công trình tiêu biểu như Xylem Pavilion (2019, Montana, Hoa Kỳ), Lycée Schorge Secondary School (2016, Koudougou, Burkina Faso), và National Park of Mali (2010, Bamako, Mali).

14. Bên cạnh giải thưởng Aga Khan và Giải thưởng Toàn cầu về Kiến trúc Bền vững, Francis Kéré còn vinh dự được nhận Giải thưởng Kiến trúc Thụy Sĩ BSI (2010), Giải Vàng Holcim Toàn cầu (2012, Zurich, Thụy Sĩ), Giải thưởng Kiến trúc Schelling (2014), cũng như Kỷ niệm chương Arnold W Brunner Kiến trúc từ Học viện Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ (2017) và Huy chương của Foundation Thomas Jefferson về Kiến trúc (năm 2021).

15. Trong tiếng bản địa của ông, Diébédo có nghĩa là “người đến để sắp xếp mọi thứ”. Có trùng hợp ngẫu nhiên hay không, ông chính là kiến trúc sư châu Phi đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý nhất của kiến trúc – Giải thưởng Pritzker.

Tin tức liên quan