Phong thái điềm tĩnh và vững chãi là điều tôi ấn tượng khi lần đầu được tiếp xúc với Kiến trúc sư Trịnh Anh Tuấn – Người sáng lập và điều hành Ibstac Architects & Planners.

Sau hơn 20 năm làm nghề, sở hữu nhiều giải thưởng, luôn bận bịu với những dự án và ý tưởng mới, kiến trúc sư Trịnh Anh Tuấn vẫn không ngừng theo đuổi dòng công trình “to và khó” như ông từng chia sẻ.

 

Kiến trúc sư Trịnh Anh Tuấn - CEO IBSTAC
Kiến trúc sư Trịnh Anh Tuấn

Chào ông, ông có thể chia sẻ về chặng đường trước khi thành lập Ibstac?

Tôi đến với nghề là 1 cái duyên tình cờ, tốt nghiệp lớp 12, tôi dự định thi vào trường Đại học Hàng Hải để nối nghiệp cha mình, nhưng sau một cơ duyên xảy đến, tôi rẽ ngang sang trường Kiến trúc theo gợi ý của một người bạn phổ thông. Hơn một tháng cấp tốc học vẽ, tôi đã may mắn thi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Và rất nhanh chóng, chỉ sau đồ án thiết kế đầu tiên, tôi đã nhận ra mình có duyên với nghề kiến trúc. Trong suốt quá trình học tập, ngay từ thời trên ghế nhà trường, tôi hứng thú và mong muốn lớn nhất, đó là được thiết kế những công trình quy mô lớn, có tính chất phức hợp và phục vụ số đông con người. Trong suốt quá trình làm nghề, tôi may mắn có một người đồng sự hết sức quan trọng trong những ngày đầu lập nghiệp, đó là Kiến trúc sư Trịnh Thu Hương – đồng thời cũng là em gái của tôi.

Năm 2007, khi còn là một kiến trúc sư tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng – Bộ Xây dựng Việt Nam, với mong muốn tạo nên những dự án thiết kế độc đáo, sáng tạo và có tính toàn diện cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, tôi và người em gái – KTS Trịnh Thu Hương đã xây dựng được một đội ngũ thiết kế trẻ, tham vọng, kiên trì chinh phục mục tiêu lớn. Đến năm 2012 thì Ibstac ra đời.

KTS Trịnh Anh Tuấn và các cộng sự tại Ibstac 

Ông miêu tả về phong cách thiết kế của mình như thế nào?

Với tôi: “Kiến trúc là sự hòa hợp giữa thiên nhiên, con người, công trình kiến trúc, trong đó thiết kế đảm bảo tính đương đại, hài hòa với tự nhiên, mang đậm nét văn hóa bản địa, tạo dấu ấn riêng và phát triển bền vững”. chính vì thế các nghiên cứu của tôi và các cộng sự quan tâm đặc biệt đến mối liên kết hữu cơ này từ đó tìm ra sự sáng tạo, nét độc đáo và tính toàn diện trong các đồ án thiết kế.

Chung cư Gamuda Central Residence – một trong những công trình do Ibstac Architects & Planners thiết kế

Ai là người đã truyền cảm hứng cho những thiết kế của ông?

Tôi ngưỡng mộ đường nét, tỉ lệ trong kiến trúc cổ điển. KTS Norman Robert Foster cho tôi sự thích thú về kiến trúc hiện đại được nghiên cứu tỉ mỉ và có tính toàn diện cao (ông là một kiến trúc sư người Anh theo trường phái High-tech). Kiến trúc sư Zaha Hadid cho tôi sự hứng khởi trong cách tổ hợp hình khối, mặt, đường cong thật tự nhiên và đầy cảm hứng (bà là một nữ kiến trúc sư nổi tiếng người Anh gốc Iraq theo trường phái Kiến trúc giải tỏa kết cấu)…

Đội ngũ của ông tập trung vào những công trình mang tính bền vững và toàn diện, phục vụ số đông con người. Vậy cách tiếp cận với bài toán thiết kế ra sao?

Sau khi nhận được yêu cầu thiết kế chúng tôi tập trung nghiên cứu  sâu về khu đất, điều kiện tự nhiên, con người, văn hóa, lịch sử và từ đó chúng tôi chắt lọc ra những tinh chất để hình thành nên các cảm nhận về mặt tinh thần cảm xúc cho đồ án. Sau đó tất cả các yếu tố đó được nghiên cứu và hòa trộn kết hợp với định hướng tương lai, công nghệ để tạo nên 1 đồ án có tính sáng tạo, nét riêng và được nghiên cứu toàn diện cao và đảm bảo tính đương đại, hài hòa với tự nhiên, mang đậm nét văn hóa bản địa, tạo dấu ấn riêng và phát triển bền vững.

Nhiều khách hàng và kiến trúc sư trong nghề nhận xét rằng, khi làm việc với Ibstac, các kiến trúc sư có một phong cách rất đặc trưng. Ông có thể chia sẻ thêm với chúng tôi về điều này.

(Cười)…Là những KTS sáng tạo, nỗ lực có trách nhiệm nhưng hơi lành.

Mục đích cao nhất ông muốn đạt tới trong công việc là gì?

Design for better life

“Thông qua kiến trúc, chúng tôi mong muốn được góp phần xây dựng, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống con người, tạo nên một tương lai bền vững, tươi đẹp và hạnh phúc”

Cảm ơn ông về buổi chia sẻ.

Tin tức liên quan